Quá trình hình thành, phát triển. Sư đoàn 2, Quân đội nhân dân Việt Nam

Bối cảnh

Giữa năm 1965 quân đội Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng và chạm trán với những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền nam. Nhiều trung đoàn giải phóng quân thống nhất lại thành những sư đoàn hoàn chỉnh.

Giai đoạn đầu

Sư đoàn 2 Quảng - Đà được thành lập ngày 20/10/1965 ở làng An Lâm, xã Phước Hà, huyện Tiên Phước, Quảng Nam trên cơ sở trung đoàn 1 ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, trung đoàn 21 của miền Bắc và bổ sung thêm tiểu đoàn 70 bộ binh, tiểu đoàn 12 pháo cối, tiểu đoàn 14 súng máy phòng không,... Sư đoàn trưởng đầu tiên là Nguyễn Năng, sư đoàn phó đầu tiên là Lê Hữu Trữ, chính ủy đầu tiên là Nguyễn Minh Đức.

Trung đoàn 1 (trung đoàn Ba Gia) thành lập năm 1963 từ những cơ sở của E108 (đại đoàn 305 cũ) cùng lực lượng vũ trang Quảng - Đà. Sau chiến thắng Ba Gia, tên này được đặt cho trung đoàn 1. Trung đoàn là trụ cột đội hình Sư đoàn 2 trong cả cuộc chiến.

Trung đoàn 21 thành lập tháng 4/1965 với hầu hết lính Hải Hưng và Hà Bắc, hành quân vào nam tháng 7/1965 rồi tham gia thành lập Sư đoàn 2.

Sau một thời gian chiến đấu, Sư đoàn 2 nhận thêm trung đoàn 31 (nguyên là trung đoàn 64 sư đoàn 320) vào năm 1966.

Sư đoàn 2 đã giao chiến với quân đội Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa và cả quân đồng minh, tham gia tấn công xuân Mậu Thân 1968.

Giai đoạn sau

Một số trung đoàn thành phần được thuyên chuyển qua lại giữa các Sư đoàn 2 và Sư đoàn 3. Do những khó khăn về tiếp tế, sư 3 bị giải thể tạm thời.

Năm 1970, Sư đoàn 2 rút sang Lào củng cố và chiến đấu ở đó. Nguyễn Chơn được cử làm sư đoàn trưởng và được phong anh hùng quân đội khi đảm nhiệm cương vị này. F2 đã tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Thời gian sau, sư đoàn mạnh lên và về lại chiến trường Tây Nguyên. Trung đoàn 141 của Sư đoàn 312 hành quân vào nam thay thế cho Trung đoàn 21 từ năm 1970. Từ tháng 6/1971 đến 6/1973, Trung đoàn 21 rời Sư đoàn 2, tăng cường đội hình cho Sư đoàn 3.

Năm 1972, Sư đoàn 2 được tăng cường Trung đoàn 52 (trung đoàn Tây Tiến) tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Trung đoàn đã có một số thắng lợi hạn chế, nhưng lực lượng tổn thất khá nặng và phải củng cố lại.

Sau 1973, Trung đoàn 141 rời Sư đoàn 2 để di chuyển sâu vào Bình Định tăng cường cho đội hình Sư đoàn 3 Sao Vàng, còn Trung đoàn 31 về lại Sư đoàn 2 từ tháng 6/1973.

Sau đó, đến lượt Trung đoàn 36 Sư đoàn 308 vào khu 5 tăng cường cho mặt trận. Trước đó, (năm 1969) trung đoàn này tạm giải tán rồi tập trung lại vào tháng 10/1974, tăng cường cho Sư đoàn 2

Sau năm 1973, Sư đoàn 2 có thể đứng vững chắc trên địa bàn miền trung. Các đơn vị pháo thống nhất thành trung đoàn pháo binh 368 tháng 10/1974 thuộc đội hình Sư đoàn 2. Năm 1975, Sư đoàn 2 với đội hình gồm các trung đoàn bộ binh 1, 31, 36, 38 tiến công Nông Sơn - Thượng Đức rồi tạm phối thuộc cho Quân đoàn 3. Khi Quân đoàn 3 hành quân xuống Nam Bộ, Sư đoàn 2 ở lại Quân khu 5.

Năm 1978, Sư đoàn 2 được điều động sang chiến trường Campuchia tiêu diệt quân đội Khmer Đỏ. Khi đang đóng quân ở Campuchia, năm 1984 đại tá sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh bị hy sinh do xe bị vướng mìn.

Biên chế hiện nay

Hiện nay Sư đoàn 2 đóng ở An Khê, Gia Lai thuộc quân khu 5 Quân đội nhân dân Việt Nam. Biên chế hiện nay gồm các trung đoàn bộ binh và công pháo.

Trung đoàn 1

Được thành lập ngày 20 tháng 11 năm 1963, có đội chỉ huy là những người lính Việt Minh của đoàn 108 trong thời Pháp. Lực lượng ban đầu do Lê Hữu Trữ làm trung đoàn trưởng có gồm tiểu đoàn 40, 60, 90 và 1 tiểu đoàn tập kết trở về miền nam, hoạt động chống lại Quân lực Việt Nam Cộng hòa cho đến khi Quân lực Hoa Kỳ đổ bộ. Sau các trận Ba Gia, E1 được tăng cường tiểu đoàn 45 hỏa lực. Sau trận Vạn Tường, 3 tiểu đoàn 40, 60, 90 và hỏa lực trợ chiến rút khỏi vùng Quảng - Đà, tiểu đoàn còn lại tăng cường cho sư 3 Sao Vàng. Trung đoàn tiếp tục chiến đấu với Hoa Kỳ & QLVNCH trong suốt 4 năm 1965-1968.

Năm 1969, do tổn thất quá nặng nên toàn lực lượng rút sang Lào. Trung đoàn được tổ chức lại với các tiểu đoàn 1, 2, 3. Đơn vị tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Chiến dịch toàn thắng, E1 cùng cả sư đoàn quay lại chiến trường Tây Nguyên, tham gia chiến dịch 1972.

Trung đoàn 38
Trung đoàn 95

Đóng chân trên địa bàn xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ), làm nhiệm vụ huấn luyện cơ động, sẵn sàng chiến đấu và tham gia giữ gìn an ninh chính trị trên địa bàn. Trong những trang sử hào hùng của đơn vị đã từng 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân này luôn ghi đậm dấu ấn của những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, bất khuất.

Đoàn Mang Yang (tên thường gọi của Trung đoàn Bộ binh 95) tiền thân là chi đội giải phóng quân Nguyễn Thiện Thuật được thành lập vào tháng 8 - 1945 tại thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn đã chiến đấu trên khắp các chiến trường, từ miền Bắc đến miền Nam và trên 2 nước bạn Lào, Campuchia. Trong kháng chiến chống Pháp, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về vũ khí trang bị, song bằng ý chí kiên cường, dũng cảm, không ngại gian khổ, hy sinh, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn đã tham gia nhiều trận đánh lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, điển hình như những trận đánh ở Khe Sanh - Rào Quán, Cam Lộ - Đông Hà; trận đánh căn cứ Ưu Điềm - Thừa Thiên - Huế, Lương Mai - Quảng Trị… Đặc biệt Trung đoàn được vinh dự là một trong những đơn vị chủ lực, tham gia phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu ở chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần đánh bại hoàn toàn quân Pháp xâm lược bằng chiến thắng chấn động địa cầu. Trong kháng chiến chống Mỹ, đơn vị chiến đấu hàng trăm trận trên khắp các chiến trường từ Bình Trị Thiên đến Tây Nguyên và tham gia giải phóng cụm đảo Nam Trường Sa. Trong đó có nhiều chiến dịch lớn, có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trung đoàn đã trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” thiện xạ của Mỹ, các sư đoàn dù, sư đoàn 23, liên đoàn biệt động quân số 12 cùng nhiều chi đoàn thiết giáp của Mỹ - ngụy… tiêu diệt hàng ngàn tên, bắn cháy hàng ngàn xe quân sự, trở thành nỗi ám ảnh, kinh hoàng của các lực lượng địch. Để làm nên những chiến công ấy, lịch sử Anh hùng của Trung đoàn còn khắc ghi mãi những tấm gương anh dũng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn như chiến sĩ đại đội công binh Ninh Xuân Trường - một biểu tượng về lòng quả cảm, khi dám dũng cảm ôm bộc phá lao thẳng vào xe tăng giặc, tạo điều kiện cho đơn vị tiêu diệt hỏa lực tăng của địch; hay như chiến sĩ trung liên Hà Văn Nay đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và xông lên dùng vũ khí giết nhiều lính Mỹ… Trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế, bằng lối đánh táo bạo, bất ngờ, Trung đoàn đã giúp nước bạn tiêu diệt nhiều tiểu đoàn phỉ Lào; giúp bạn Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Phôn Phốt, thoát khỏi họa diệt chủng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế.

Đến năm 1993, theo yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn được lệnh chuyển lên đóng quân tại đèo Hà Lan (xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ), làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng cơ động chiến đấu. Đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên, là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, khu vực trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã phát huy truyền thống “Đoàn kết - kiên cường - thần tốc - táo bạo - quyết thắng”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Xác định công tác huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đơn vị đã tập trung thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, vận dụng linh hoạt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp. Đồng thời củng cố, hoàn chỉnh các kế hoạch chiến đấu A, A2, kế hoạch phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai, bảo đảm đồng bộ vũ khí thiết bị kỹ thuật… Chính vì vậy trong những năm qua chất lượng huấn luyện chiến sĩ của Trung đoàn luôn được nâng cao, các nội dung huấn luyện đều đạt 100% yêu cầu, trong đó có 75 - 80% đạt loại khá, giỏi.

Song song với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, Đảng bộ Trung đoàn luôn chú trọng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ bằng việc hướng phong trào thi đua vào thực hiện tốt các tiêu chuẩn xây dựng Đảng bộ trong sạch, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thường xuyên củng cố và giữ vững mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, làm tốt công tác quản lý giáo dục rèn luyện bộ đội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Đảng ủy Trung đoàn liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hằng năm luôn đạt tỷ lệ trên 80%. Đặc biệt Trung đoàn đã hoàn thành tốt công tác dân vận, giữ vững mối quan hệ đoàn kết quân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân, góp phần củng cố nền quốc phòng, an ninh vững chắc.

Tuy đóng chân ở địa hình cao, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sinh hoạt rất khó khăn, song phát huy tinh thần tự lực tự cường trong chiến đấu, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn vừa nỗ lực tăng gia sản xuất vừa cải tạo môi trường sinh thái quanh đèo Hà Lan, biến nơi đây từ một vùng đất khô cằn, nắng gió trở thành điểm sinh thái trù phú, điểm dừng chân yêu thích của du khách. Công tác tăng gia sản xuất được chú trọng, toàn đơn vị đã trồng được trên 14 ha rau xanh các loại, chủ động được nguồn lương thực, bảo đảm phục vụ, nâng cao đời sống của cán bộ chiến sĩ, đưa thêm vào bữa ăn của bộ đội 1.500 đồng/người/ngày; 100% đơn vị đạt danh hiệu “Nuôi quân giỏi, quản lý tốt”… Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến cũng như những nỗ lực không ngừng vươn lên trong thời kỳ đổi mới, nên ngoài 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung đoàn còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất trong thời kỳ đổi mới.

Các đơn vị khác

  • Tiểu đoàn pháo binh
  • Tiểu đoàn cối
  • Tiểu đoàn phòng không
  • Tiểu đoàn công binh
  • Tiểu đoàn thông tin